Loãng xương là một tình trạng bệnh lý phổ biến ở người lớn tuổi. Tình trạng loãng xương có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu về các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, cách ngăn ngừa và điều trị loãng xương qua bài viết sau đây.
LOÃNG XƯƠNG LÀ GÌ?
Loãng xương (Osteoporosis) là một tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến xương. Tên loãng xương bắt nguồn từ tiếng Latinh có nghĩa là “xương xốp”.
Bên trong xương khỏe mạnh có những khoảng trống nhỏ, giống như một tổ ong. Loãng xương làm gia tăng kích thước của những khoảng trống này, khiến xương mất đi sức mạnh và giảm mật độ. Ngoài ra, phần bên ngoài của xương ngày càng yếu đi và mỏng hơn.
Loãng xương có thể xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng nó phổ biến hơn ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Hơn 53 triệu người ở Hoa Kỳ mắc loãng xương hoặc có nguy cơ cao mắc loãng xương.
Những người bị loãng xương có nguy cơ cao bị gãy xương hoặc vỡ xương khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày như đứng hoặc đi lại. Các xương thường bị ảnh hưởng nhất là xương sườn, xương chậu, xương ở cổ tay và cột sống.
TRIỆU CHỨNG
Giai đoạn đầu của bệnh loãng xương không gây ra bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo nào. Trong hầu hết các trường hợp, những người bị loãng xương không biết mình mắc bệnh cho đến khi bị gãy xương.
Nếu các triệu chứng xuất hiện, một số triệu chứng sớm hơn có thể bao gồm:
- Tụt lợi;
- Cầm nắm yếu;
- Móng yếu và dễ gãy.
Nếu bạn không có các triệu chứng nhưng có tiền sử gia đình (người trong gia đình) bị loãng xương, việc nói chuyện với bác sĩ có thể giúp bạn đánh giá nguy cơ loãng xương của mình.
LOÃNG XƯƠNG NẶNG
Nếu không được điều trị phù hợp, tình trạng loãng xương có thể xấu đi. Khi xương trở nên mỏng và yếu hơn, sẽ làm tăng nguy cơ gãy xương.
Các triệu chứng của bệnh loãng xương nghiêm trọng có thể bao gồm gãy xương do té ngã hoặc thậm chí do hắt hơi hay ho mạnh. Các triệu chứng cũng có thể bao gồm đau lưng hoặc cổ, hoặc giảm chiều cao.
Đau lưng hoặc cổ hoặc giảm chiều cao có thể do gãy xương nén (còn được biết đến là gãy nén đốt sống hay gãy xẹp đốt sống). Đây là tình trạng gãy một trong các đốt sống ở cổ hoặc lưng của bạn, đốt sống yếu đến mức có thể bị gãy dưới áp lực bình thường ở cột sống.
Nếu bạn bị gãy xương do loãng xương, thời gian lành vết thương sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bao gồm vị trí gãy xương, mức độ nặng của gãy xương, cũng như tuổi tác và tiền sử bệnh.
NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân gây loãng xương bao gồm các tình trạng bệnh lý ví dụ như cường giáp hoặc có thể do sử dụng một số loại thuốc.
Ví dụ như việc sử dụng lâu dài corticosteroid uống hoặc tiêm (prednisone hay cortisone) có thể dẫn đến loãng xương.
YẾU TỐ NGUY CƠ
Tuổi
Yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh loãng xương là tuổi. Trong suốt cuộc đời, cơ thể bạn luôn xảy ra đồng thời hai quá trình đó là tạo xương (quá trình tái tạo xương) và hủy xương (quá trình mất xương).
Tuy nhiên, khi đến độ tuổi 30, cơ thể bạn bắt đầu quá trình hủy xương nhanh hơn khả năng tạo xương. Điều này dẫn đến xương kém đặc hơn và yếu hơn, do đó sẽ dễ bị gãy hơn.
Mãn kinh
Thời kỳ mãn kinh là một yếu tố nguy cơ chính khác, xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi từ 45 đến 55 tuổi. Do sự thay đổi nồng độ hormone có liên quan, mãn kinh có thể khiến cơ thể phụ nữ xảy ra quá trình hủy xương nhanh hơn.
Nam giới tiếp tục quá trình hủy xương ở độ tuổi này, nhưng với tốc độ chậm hơn so với phụ nữ. Tuy nhiên, khi bước vào độ tuổi từ 65 đến 70, quá trình hủy xương ở phụ nữ và nam giới thường tương đương nhau.
Các yếu tố nguy cơ khác gây loãng xương bao gồm:
- Nữ giới;
- Người da trắng hoặc người châu Á;
- Có tiền sử gia đình bị loãng xương;
- Dinh dưỡng kém;
- Không hoạt động thể chất;
- Hút thuốc lá;
- Nhẹ cân;
- Khung xương nhỏ.
Bạn có thể kiểm soát một số yếu tố nguy cơ gây loãng xương, như dinh dưỡng kém và lười vận động. Chẳng hạn, bạn có thể cải thiện chế độ ăn uống và bắt đầu một chương trình tập thể dục có lợi cho sức khỏe xương của bạn. Tuy nhiên, những yếu tố nguy cơ khác không thể kiểm soát được ví dụ như tuổi hay giới tính.
LOÃNG XƯƠNG TUỔI GIÀ
Bạn có thể đã được nghe nói về loãng xương tuổi già. Đây không phải là một phân loại riêng biệt – nó chỉ đơn giản là chứng loãng xương do lão hóa khi loại trừ các nguyên nhân thứ phát gây loãng xương khác.
Như đã đề cập ở trên, tuổi tác là yếu tố nguy cơ chính của bệnh loãng xương. Trừ khi các nỗ lực phòng ngừa hoặc điều trị thích hợp được thực hiện, nếu không với quá trình hủy xương ngày càng tăng sẽ dẫn đến yếu xương và loãng xương.
Theo thống kê toàn cầu của Tổ chức Loãng xương Quốc tế, khoảng 1/10 phụ nữ tuổi 60 bị loãng xương, trong khi tỷ lệ này là 2/5 ở phụ nữ tuổi 80.
ĐO MẬT ĐỘ XƯƠNG
Để chẩn đoán loãng xương, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh và khám cho bạn. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra các tình trạng có thể gây mất xương.
Nếu bác sĩ cho rằng bạn có thể bị loãng xương hoặc có nguy cơ mắc loãng xương, bác sĩ sẽ đề nghị kiểm tra mật độ xương của bạn.
Kỹ thuật này được gọi là đo mật độ xương hay hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA). Nó sử dụng tia X để đo mật độ xương ở cổ tay, hông hay ở cột sống. Đây là 3 vùng có nguy cơ bị loãng xương cao nhất. Kỹ thuật này không gây đau và có thể mất từ 10 đến 30 phút để thực hiện.
ĐIỀU TRỊ
Nếu kết quả cận lâm sàng cho thấy bạn bị loãng xương, bác sĩ sẽ làm việc với bạn để lập kế hoạch điều trị. Bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc cũng như thay đổi lối sống. Những thay đổi lối sống này có thể bao gồm tăng lượng canxi và vitamin D, cũng như tập thể dục phù hợp.
Không có cách điều trị triệt để bệnh loãng xương, nhưng điều trị đúng cách có thể giúp bảo vệ và củng cố xương của bạn. Những phương pháp điều trị này có thể giúp làm chậm quá trình hủy xương và một số phương pháp sẽ giúp làm tăng quá trình tạo xương.
THUỐC
Các loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị loãng xương là bisphosphonates. Bisphosphonates được sử dụng để ngăn ngừa mất khối lượng xương. Có thể được sử dụng dưới dạng uống hoặc tiêm, bao gồm:
- Alendronate (Fosamax);
- Ibandronate (Boniva);
- Risedronate (Actonel);
- Acid zoledronic (Reclast).
Các loại thuốc khác có thể được sử dụng để ngăn ngừa mất xương hoặc kích thích tạo xương như:
Testosterone
Ở nam giới, liệu pháp testosterone có thể giúp tăng mật độ xương.
Liệu pháp hormone
Đối với phụ nữ, sử dụng estrogen trong và sau thời kỳ mãn kinh có thể giúp ngăn chặn tình trạng mất xương. Tuy nhiên, liệu pháp estrogen cũng có liên quan đến nguy cơ tăng đông, bệnh tim và một số loại ung thư.
Raloxifene (Evista)
Thuốc này đã được phát hiện là mang lại lợi ích của estrogen mà không có nhiều nguy cơ, tuy nhiên vẫn có nguy có tăng đông.
Denosumab (Prolia)
Loại thuốc này được dùng bằng cách tiêm và được chứng minh có thể có tiềm năng hơn bisphosphonates trong việc giảm mất xương.
Teriparatide (Forteo)
Thuốc này cũng được dùng bằng cách tiêm và kích thích quá trình tạo xương.
Calcitonin salmon (Calcitonin tổng hợp từ cá hồi – Fortical và Miacalcin)
Thuốc được dùng dưới dạng dung dịch xịt mũi và làm giảm quá trình hủy xương. Nói chuyện với bác sĩ khi có bất kỳ nguy cơ gia tăng ung thư với việc sử dụng thuốc này.
Romosozumab (Evenity)
Thuốc đã được FDA chấp thuận vào tháng 4 năm 2019 để điều trị cho những phụ nữ đã mãn kinh và có nguy cơ cao bị gãy xương.
Thuốc được tiêm hai lần dưới da (cùng một vị trí) mỗi tháng một lần trong 12 tháng hoặc ít hơn. Loại thuốc này có “cảnh báo hộp đen” (cảnh báo của FDA về tình trạng tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng) bởi vì có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, vì vậy thuốc không được khuyến cáo cho những người có tiền sử mắc bệnh các bệnh lý này.
PHƯƠNG PHÁP TỰ NHIÊN
Bởi vì thuốc điều trị loãng xương có thể có tác dụng phụ nên bạn có thể thử các phương pháp điều trị khác thay vì dùng thuốc.
Một số chất bổ sung, chẳng hạn như cỏ ba lá đỏ, đậu nành và Black cohosh (họ Mao lương), có thể được sử dụng để giúp tăng cường sức khỏe của xương. Tuy nhiên, trước khi sử dụng các chất bổ sung này, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ bởi hai lý do chính sau đây:
- Có rất ít nghiên cứu hỗ trợ việc sử dụng các chất bổ sung này để điều trị bệnh loãng xương. Do đó, chúng tôi không có bằng chứng cho thấy chúng có hiệu quả.
- Những chất bổ sung này có thể gây ra tác dụng phụ, cũng như tương tác với các loại thuốc bạn đang dùng. Hãy đảm bảo rằng bạn biết về các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra, và nếu bạn sử dụng bất kỳ thuốc nào có thể tương tác với các chất bổ sung này.
Và đã có một số người báo cáo kết quả tốt với phương pháp điều trị tự nhiên.
CHẾ ĐỘ ĂN
Ngoài kế hoạch điều trị, một chế độ ăn uống thích hợp có thể giúp xương của bạn chắc khỏe hơn.
Để giữ cho xương khỏe mạnh, bạn cần bổ sung một số chất dinh dưỡng nhất định trong chế độ ăn uống hàng ngày. Những chất quan trọng nhất là canxi và vitamin D. Cơ thể bạn cần canxi để duy trì xương chắc khỏe và cần vitamin D để hấp thụ canxi.
Các chất dinh dưỡng khác giúp tăng cường sức khỏe của xương bao gồm protein (đạm), magie, vitamin K và kẽm.
Nói chuyện với bác sĩ để biết thêm về kế hoạch ăn uống phù hợp với bạn. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn về chế độ ăn uống hoặc giới thiệu bạn đến với chuyên gia dinh dưỡng (bác sĩ dinh dưỡng) – người có thể đưa ra chế độ ăn phù hợp với bạn.
BÀI TẬP
Ăn uống đúng cách không phải là cách duy nhất để hỗ trợ sức khỏe của xương. Tập thể dục cũng rất quan trọng, đặc biệt là các bài tập chịu trọng lượng.
Các bài tập chịu trọng lượng được thực hiện với bàn chân hoặc cánh tay cố định trên mặt đất hoặc bề mặt khác. Những ví dụ bao gồm:
- Leo cầu thang;
- Bài tập kháng lực, chẳng hạn như:
- Những bài tập đạp đùi;
- Squat;
- Chống đẩy;
- Tập luyện sức mạnh, ví dụ như tập với:
- Dây kháng lực;
- Dumbbell (một dụng cụ tập thể lực);
- Máy tập kháng lực.
Những bài tập này hữu ích vì chúng khiến cơ của bạn đẩy và kéo chống lại xương. Hành động này giúp làm tăng quá trình hình thành tế bào xương mới, giúp cho xương chắc khỏe hơn.
Tuy nhiên đây không phải là lợi ích duy nhất của bạn từ việc tập thể dục. Tập thể dục có tác động tích cực đối với cân nặng và sức khỏe tim mạch, tập thể dục còn có thể cải thiện khả năng giữ thăng bằng và phối hợp vận động, điều này có thể giúp bạn tránh bị té ngã.
Hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một bài tập thể dục mới nào.
PHÒNG NGỪA
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây loãng xương mà bạn không thể thay đổi được như giới tính nữ, quá trình lão hóa và tiền căn gia đình. Tuy nhiên, có một số yếu tố mà bạn có thể thay đổi được, và cách tốt nhất để ngăn ngừa loãng xương bao gồm:
- Cung cấp đủ canxi và vitamin D được khuyến nghị hàng ngày.
- Thực hiện các bài tập chịu trọng lượng.
- Ngừng hút thuốc lá.
- Đối với phụ nữ, cân nhắc những ưu và nhược điểm của liệu pháp hormone.
Nếu bạn có nguy cơ loãng xương, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để chọn lựa phương pháp tốt nhất giúp ngăn ngừa loãng xương.
THIẾU XƯƠNG
Nếu bác sĩ chẩn đoán bạn bị thiếu xương, bạn có thể nghĩ rằng mình mắc loãng xương. Tuy nhiên, thiếu xương là một tình trạng riêng biệt với bệnh loãng xương.
Không giống như loãng xương, thiếu xương không phải là bệnh. Thay vào đó, đây là tình trạng mật độ xương thấp. Khi bị thiếu xương, xương của bạn không đặc như bình thường (mật độ xương giảm), nhưng chúng không yếu đi như khi bị loãng xương.
Yếu tố nguy cơ chính của thiếu xương là do tuổi già. Mật độ xương của bạn đạt đỉnh ở tuổi 35 và sau đó có thể giảm xuống khi bạn già đi.
Trong nhiều trường hợp, thiếu xương có thể dẫn đến loãng xương, vì vậy nếu bạn mắc chứng thiếu xương, bạn nên thực hiện các biện pháp giúp xương chắc khỏe hơn.
KẾT LUẬN
Loãng xương là một tình trạng bệnh lý gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng. Nó có thể dẫn đến gãy xương, gây đau đớn, mất nhiều thời gian để chữa trị và dẫn đến các biến chứng khác.
Ví dụ, điều trị gãy xương hông có thể bao gồm nằm bất động trong thời gian dài, điều này làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng khác.
Điều tích cực là có rất nhiều biện pháp để ngăn ngừa và điều trị bệnh loãng xương, từ việc ăn uống đúng cách, tập thể dục cho đến việc dùng thuốc đúng cách.
Nếu bạn nghĩ rằng mình có nguy cơ bị loãng xương hoặc đã được chẩn đoán loãng xương, hãy nói chuyện với bác sĩ. Bác sĩ có thể đưa ra một kế hoạch phòng ngừa hoặc điều trị thích hợp để cải thiện tình trạng sức khỏe xương và giảm nguy cơ biến chứng của loãng xương gây ra.
Link bài dịch:
- What Do You Want to Know About Osteoporosis?
https://www.healthline.com/health/osteoporosis