Đau lưng: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Đau lưng: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán & điều trị

Đau lưng là tình trạng thường gặp hiện nay. Nó là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau chứ không phải là một bệnh cụ thể. Đau lưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở lứa tuổi 30 đến 60 tuổi.

Đau lưng dưới (còn gọi là đau thắt lưng) là kết quả của việc tổn thương các cấu trúc của lưng như:

  • Dây chằng và cơ
  • Đĩa đệm
  • Dây thần kinh
  • Đốt sống

Ngoài ra đau lưng dưới cũng có thể là triệu chứng của bệnh các cơ quan lân cận như thận.

Theo Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Mỹ, 75 đến 85 phần trăm người Mỹ đều trải qua cơn đau lưng ít nhất một lần. Trong số đó, 50 phần trăm sẽ có một đợt đau lưng trong một năm.

Khoảng 90 phần trăm các trường hợp, các cơn đau sẽ giảm hoặc hết mà không cần phẫu thuật. Hãy khám bác sĩ nếu bạn đang gặp tình trạng đau lưng.

NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân thường gặp nhất của đau thắt lưng là căng cơ và tổn thương các cấu trúc của lưng.

Căng cơ

Căng cơ thường gây ra đau lưng. Căng cơ thường xảy ra khi bạn khiêng đồ vật nặng không đúng cách hoặc gặp một tác động đột ngột ở phần lưng.

Căng cơ có thể do vận động quá mức ví dụ bạn sẽ cảm thấy đau và cứng cơ lưng sau vài giờ chơi thể thao.

Các vấn đề về cấu trúc lưng

Đốt sống bao gồm nhiều xương lồng vào và xếp chồng lên nhau tạo thành cột sống. Đĩa đệm là phần mô nằm giữa các đốt sống. Tổn thương đĩa đệm là nguyên nhân thường gặp của đau lưng. Các đĩa đệm có thể phồng hoặc thoát vị có thể gây chèn ép các dây thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm có thể gây đau dữ dội. Phồng đĩa đệm có thể chèn ép lên dây thần kinh làm đau lưng lan xuống chân (còn gọi là đau thần kinh tọa). Đau thần kinh tọa có thể gây ra các triệu chứng ở chân như:

  • Đau
  • Cảm giác châm chích, như có kiến bò

Thoái hóa khớp

Thoái hóa cột sống cũng có thể gây đau lưng. Nó gây ra do tình trạng tổn thương và thoái hóa sụn khớp thắt lưng của bạn. Lâu dài tình trạng này sẽ dẫn đến hẹp cột sống hoặc hẹp ống sống.

Loãng xương

Loãng xương là tình trạng giảm mật độ xương, có thể dẫn đến gãy các xương đốt sống. Tình trạng này có thể gây đau nặng nề, được gọi là gãy nén đốt sống.

Các nguyên nhân khác

Có nhiều nguyên tiềm ẩn khác gây đau lưng nhưng thường là hiếm gặp. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn thường xuyên đau lưng kéo dài. Sau khi loại trừ các nguyên nhân gây đau lưng phổ biến, bác sĩ sẽ cho bạn làm các xét nghiệm để xác định xem đau lưng của bạn có phải do các nguyên nhân hiếm gặp hay không. Những nguyên nhân này gồm:

  • Trượt đốt sống: khi một đốt sống của bạn lệch khỏi vị trí đúng của nó
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa: đây là một triệu chứng báo động, do tổn thương chức năng thần kinh phần dưới của tủy sống
  • Nhiễm trùng cột sống do nấm hoặc vi khuẩn
  • Ung thư cột sống hoặc khối u cột sống (lành tính)
  • Nhiễm trùng đường niệu hoặc sỏi thận

YẾU TỐ NGUY CƠ

Bạn có thể dễ bị đau lưng hơn những người khác nếu bạn có:

  • Làm việc trong môi trường ít/không vận động
  • Ít/không tập thể dục
  • Tham gia vào các hoạt động cường độ cao nhưng không khởi động hoặc dãn cơ trước
  • Lớn tuổi
  • Béo phì
  • Hút thuốc lá
  • Đã được chẩn đoán mắc bệnh như viêm khớp

Trạng thái tinh thần của bạn cũng ảnh hưởng đến nguy cơ đau lưng ví dụ khi bạn thường xuyên bị căng thẳng hoặc trầm cảm và lo âu cũng có nguy cơ bị đau lưng hơn.

TRIỆU CHỨNG

Đau lưng có nhiều cách mô tả bao gồm:

  • Cảm giác đau nhức vùng thắt lưng
  • Đau như dao dâm có thể lan xuống chân đến bàn chân
  • Đau khiến không thể đứng thẳng
  • Giảm khả năng vận động và di chuyển

Triệu chứng đau lưng nếu do căng cơ hoặc do vận động không đúng cách có thể mất sau một thời gian ngắn nhưng cũng có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần. Đau lưng mạn tính khi cơn đau kéo dài hơn 3 tháng.

Các tình huống đau lưng gợi ý đến các bệnh nghiêm trọng

Hãy đến khám bác sĩ nếu tình trạng đau lưng không cải thiện sau 2 tuần, đôi khi nó có thể là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.

Các triệu chứng này là:

  • Mất khả năng kiểm soát ruột và bàng quang
  • Tê, cảm giác châm chích hoặc yếu ở một hoặc hai chân
  • Đau lưng do chấn thương như té ngã hoặc bị đánh vào lưng
  • Đau dữ dội liên tục và trầm trọng hơn vào ban đêm
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Đau liên quan đến cơn đau nhói ở bụng
  • Sốt

Hãy đi khám và báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kì dấu hiệu nào trong số các triệu chứng kể trên.

CHẨN ĐOÁN

Khám lâm sàng điển hình là đủ để chẩn đoán đau lưng. Trong quá trình khám lâm sàng bác sĩ sẽ kiểm tra:

  • Khả năng đứng và đi lại
  • Phạm vi chuyển động của cột sống
  • Phản xạ gân xương
  • Sức cơ chân
  • Khám cảm giác của chân

Nếu nghi ngờ tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, bác sĩ có thể yếu cầu làm thêm các xét nghiệm khác bao gồm:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu
  • Chụp X-quang cột sống để đánh giá tình trạng xương và kiểm tra xem có gãy xương hay không
  • Chụp CT hoặc MRI để đánh giá tình trạng của đĩa đệm, cơ, dây chằng, thần kinh, mạch máu
  • Xạ hình xương nhằm phát hiện bất thường bên trong mô xương
  • Điện cơ (EMG) để kiểm chức năng dây thần kinh

ĐIỀU TRỊ

Nhiều người sẽ không cần điều trị lâu dài cho cơn đau lưng. Thuốc giảm đau được mua tại các nhà thuốc thường sẽ làm giảm triệu chứng đau lưng.

Tuy nhiên trước khi tự mua thuốc uống hoặc đau lưng tiến triển nghiêm trọng thì nên đi khám bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.

Thuốc

Phần lớn các cơn đau lưng sẽ giảm khi điều trị bằng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen, Naproxen… Hãy cẩn thận khi sử dụng Ibuprofen nếu bạn đang mắc các bệnh liên quan đến thận hoặc loét dạ dày.

Thuốc giảm đau khác như Acetaminophen cũng là một lựa chọn để làm giảm cơn đau lưng, nhưng thuốc này không có tác dụng kháng viêm.

Không bao giờ dùng quá liều cho phép của các thuốc mua tại nhà thuốc mà không được sự cho phép của bác sĩ vì các thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Các lựa chọn khác có thể kể đến:

Thuốc bôi và thuốc mỡ thoa tại chỗ

Các thuốc bôi ngoài da có thể có hiệu quả giảm đau lưng. Nhiều loại thuốc thoa hiện nay có chứa thành phần như Ibuprofen và lidocain. Các dạng thành phẩm hiện nay gồm:

  • Gel
  • Kem
  • Miếng dán
  • Thuốc xịt

Thuốc dãn cơ

Thuốc dãn cơ có thể được dùng để làm giảm đau lưng đặc biệt khi có cơn co thắt cơ lưng. Các thuốc này có tác dụng tác động lên hệ thần kinh của bạn.

Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm hoặc các thuốc khác tương tự có thể được bác sĩ kê đơn không theo hướng dẫn trên bao bì thuốc để làm giảm đau lưng.

Khi các cơn đau lưng nghiêm trọng, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng Amitriptyline (thuốc chống trầm cảm ba vòng) do nó tác động lên có chế đau khác các thuốc còn lại. Thuốc này có thể có tác dụng hiệu quả hơn trên các cơn đau do thần kinh.

Tiêm corticosteroid

Trong một vài trường hợp bác sĩ có thể xem xét đề nghị tiêm corticosteroid đối với một số nguyên nhân gây đau lưng như đau lưng do dây thần kinh.

Opioids

Opioids là thuốc giảm đua mạnh khi những cơn đau lưng dữ dội. Những thuốc này như Oxycodone hay sự kết hợp giữa Acetaminophen và Hydrocodone sẽ tác động lên não giúp giảm đau lưng. Tuy nhiên nhóm thuốc này cần được sử dụng thận trọng dưới hướng dẫn của bác sĩ do có nguy cơ gây nghiện.

Liệu pháp thay thế

Các liệu pháp thay thế có thể giúp giảm đau lưng bao gồm:

  • Châm cứu
  • Xoa bóp
  • Phương pháp nắn chỉnh chiropractic
  • Liệu pháp nhận thức hành vi
  • Thư giãn

Hãy chắc chắn rằng bạn đã bàn bạc với bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ liệu pháp thay thế kể trên.

Phẫu thuật

Phẫu thuật thường được bác sĩ chỉ định khi có bất thường về cấu trúc của lưng và không đáp ứng với điều trị bằng thuốc và các liệu pháp. Bao gồm:

  • Đau dữ dội liên tục kèm với bất thường cấu trúc đã được xác định
  • Tổn thương chèn ép dây thần kinh làm bạn bị yếu cơ
  • Tổn thương chèn ép tủy sống làm hạn chế các hoạt động hàng ngày

CÁC BIỆN PHÁP CHỮA ĐAU LƯNG TẠI NHÀ

Liệu pháp nhiệt

Chườm đá có thể làm giảm cảm giác khó chịu và giúp giảm tình trạng viêm trên các cơn đau lưng ngắn. Lưu ý không chườm đá trực tiếp lên da, hãy bọc đá trong một cái khăn mỏng để tránh làm bỏng da bạn.

Chườm ấm cũng giúp giảm tình trạng đau lưng sau khi tình trạng viêm giảm. Cân nhắc chuyển đổi giữa chườm nóng và lạnh.

Tập luyện

Các bài tập giúp cải thiện tư thế và tăng cường sức mạnh của các cơ lưng và cơ bụng là một phương pháp điều trị thường xuyên được xem xét.

Các bài tập bao gồm:

  • Cải thiện tư thế
  • Hướng dẫn các tư thế đúng khi nâng đồ vật
  • Tăng cường súc mạnh cơ lưng và cơ bụng
  • Kéo cơ để cải thiện khả năng linh hoạt

Các bài tập sẽ được các chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn bạn tại bệnh viện hoặc tại nhà.

Tinh dầu

Một nghiên cứu gợi ý rằng tinh dầu hoặc thuốc mỡ làm từ capsaicin có thể giúp giảm đau.

Capsaicin là chất có trong ớt mang lại vị cay cho ớt. Chất này giúp giảm mẫn cảm của các dây thần kinh ở vùng bị tổn thương và giảm cảm giác đau của bạn.

Các biện pháp chữa đau lưng tại nhà có thể có hiệu quả tốt trong việc giảm đau lưng. Cần tìm hiểu kĩ về chúng trước khi áp dụng.

CÁCH PHÒNG NGỪA ĐAU LƯNG

Những lời khuyên dưới đây có thể giúp giảm đau lưng nếu nó đã xảy ra. Chúng cũng có thể giúp bạn phòng ngừa đau lưng nếu chưa xảy ra.

Mang vác đồ nhẹ

Những chiếc cặp nặng, túi đựng laptop, vali có thể tăng gánh nặng cho cột sống cổ của bạn. Hãy cố gắng hạn chế các vật dụng bạn mang theo hoặc sử dụng các balo hoặc túi giúp phân bố trọng lượng đồng đều, có thể sử dụng balo hoặc túi có bánh xe sẽ giúp giảm hoàn toàn gánh nặng cho lưng.

Tập tăng cường sức mạnh cho cơ lưng và cơ bụng

Các cơ lưng và cơ bụng giúp cho bạn đứng thẳng và hoạt động dễ dàng. Tăng cường sức mạnh các cơ này giúp bạn giảm nguy cơ đau lưng, căng cơ, hoặc tránh tổn thương phần lưng của bạn.

Kết hợp các bài tập tăng cường sức mạnh với việc tập thể dục của bạn vài ngày một tuần.

Điều chỉnh tư thế

Các tư thế sai có thể làm tăng gánh nặng và tình trạng căng cơ lên cột sống của bạn. Lâu dài chúng sẽ dẫn đến đau lưng và gây tổn thương cho vùng lưng của bạn.

Lựa chọn giày

Giày cao gót sẽ gây tổn thương lưng nếu bạn mang chúng thường xuyên. Hãy chọn những đôi giày cao gót vừa phải, thoải mái và độ cao vừa phải nếu có thể.

Thường xuyên dãn cơ

Hãy dãn cơ mỗi ngày để cơ của bạn không bị căng. Dãn cơ thường xuyên giúp cải thiện lưu thông máu và giảm nguy cơ đau lưng cũng như tổn thương vùng lưng.

ĐAU LƯNG VÀ CÁC BỆNH LÝ KHÁC

Đau lưng và mang thai

Đau lưng trong thời kỳ mang thai và sinh nở là phổ biến và do một vài nguyên nhân. Tuy nhiên bạn cần nói chuyện với bác sĩ của mình về tình trạng bạn đang trải qua vì cơn đau có thể là vấn đề của bệnh lý lớn hơn.

Dưới đây là một vài nguyên nhân có thể khiến bạn bị đau lưng khi mang thai:

Dịch chuyển trọng tâm

Khi em bé phát triển, cân bằng trọng lực cơ thể bạn sẽ thay đổi. Cột sống của bạn phải cong vòm lại để bù lại cho sự thay đổi để trọng lực giúp cân bằng lại. Điều này làm cho cột sống thắt lưng của bạn bị tăng áp lực.

Tăng cân

Tăng cân là tình trạng thường gặp trong thai kỳ, dù bạn chỉ tăng cân rất ít trong thai kỳ thì cũng có thể làm cho cơ lưng của bạn bị căng.

Nội tiết tố

Khi chuẩn bị sinh, cơ thể của bạn sẽ tiết ra các hóc môn làm dây chằng ở vùng chậu lỏng lẻo để dễ sinh. Các hóc môn này cũng sẽ làm các dây chằng ở phần lưng lỏng lẻo theo khiến các xương ở cột sống dễ bị dịch chuyển, điều này sẽ làm bạn cảm thấy đau và khó chịu.

Đau lưng do Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng ở các cơ quan có nhiệm vụ bài tiết và thải nước tiểu. Hệ thống đường tiết niệu bao gồm:

  • Thận
  • Niệu quản
  • Niệu đạo
  • Bàng quang

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên gây ra do vi trùng hoặc vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu rồi sinh sản.

Nếu bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn có thể bị đau lưng hoặc cảm giác khó chịu ở vùng lưng dưới. Ngoài ra, bạn còn có thể gặp các triệu chứng khác như:

  • Đi tiểu thường xuyên hơn
  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Nước tiểu có màu đỏ
  • Nước tiểu đục
  • Nước tiểu có mùi lạ khó chịu
  • Cảm thấy phải đi tiểu gấp khó cầm lại
  • Nước tiểu ít

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể điều trị hết bằng thuốc kháng sinh. Sau khi điều trị, các triệu chứng đau lưng sẽ hết.

Đi tiểu thường xuyên và đau lưng cũng có thể do các nguyên nhân khác gây ra.

CÁC BÀI TẬP GIÚP GIẢM ĐAU LƯNG

Các động tác giúp kẽo dãn cơ lưng nhẹ nhàng và các bài tập này có thể giyps giảm đau lưng cũng như giúp phòng ngừa chúng.

Đây là hai bài tập bạn có thể thử áp dụng. Những bài tập này không yêu cầu các dụng cụ mà có thể tập ở bất cứ đâu, có thể sử dụng thảm tập nếu có.

  1. Nằm ngửa trên sàn, hai gối co, hai bàn chân đặt song song trên sàn với khoảng cách rộng bằng hông
  2. Đặt hai tay dọc hai bên cơ thể, sau đó dồn lực vào phần gót chân và từ từ đẩy mông lên cao khỏi mặt đất đến khi cơ thể bạn tạo thành một đường thẳng, vai giữ sát trên mặt sàn
  3. Hạ mông xuống sàn. Nghỉ trong 1 phút
  4. Lặp lại 15 lần, 3 hiệp mỗi lần tập
  5. Nằm sấp, hai tay duỗi qua đầu, hai chân duỗi thẳng sát mặt sàn
  6. Từ từ đồng thời nhất 2 tay và 2 chân lên khỏi mặt đất. cách mặt đất khoảng 15 cm hoặc cao hơn nếu bạn có thể
  7. Dừng lại khi bạn thấy cơ lưng dưới cứng lại. Để tránh mỏi cổ hãy cuối đầu và nhìn mặt đất khi thực hiện
  8. Giữ tư thế trong 2 đến 3 giây
  9. Quay trở lại trạng thái nằm sấp ban đầu, thả lỏng toàn bộ cơ thể
  10. Lặp lại động tác 10 đến 12 lần

YOGA CHỮA ĐAU LƯNG

Yoga là một cách giúp giảm căng thẳng, nó có thể là cách tốt giúp giảm đau do căng cơ. Một vài tư thế yoga có thể giúp bạn kéo dãn và tăng sức mạnh cơ vùng lưng và vùng bụng của bạn. Điều này giúp giảm dịu cơn đau cũng như ngăn ngừa tiến triển nặng hơn của tình trạng đau lưng.

Thực hiện các tư thế này vài phút một ngày. Sau đó bạn có thể tìm thêm các tư thế khác khi đã quen.

Tư thế con mèo con bò

  1. Chống hai tay và hai chân xuống sàn.
  2. Căn chỉnh sao cho tay thẳng hàng với vai và đầu gối thẳng hàng với hông. Cân bằng lực lên 4 vị trí.
  3. Từ từ hít vào đồng thời nhìn lên bức tường trước mặt bạn
  4. Từ từ thở ra, cúi đầu cho cằm chạm ngực, hóp bụng và cong lưng
  5. Lặp lại bước 3 và 4 liên tục trong ít nhất 1 phút

Tư thế nhân sư

  1. Nằm sấp, hai chân duỗi thẳng, bàn chân duỗi, đặt hai bàn tay ở hai bên vai
  2. Sử dụng cơ lưng và cơ bụng để nâng từ từ phần thân trên (từ ngực trở lên) lên cao khỏi mặt đất, chỉ dùng cánh tay hỗ trợ
  3. Kéo căng lưng dưới bằng cách cố gắng để phần bụng chạm đất
  4. Giữ nguyên tư thế trong 2 đến 3 phút
  5. Thư giãn và trở về tư thế ban đầu

Khi các cơ của bạn khỏe hơn, bạn có thể giữ tư thế lâu hơn có thể lên đến 5 phút

TÓM LẠI

Đau lưng là triệu chứng phổ biến, xuất hiện ở nhiều bệnh khác nhau, càng lớn tuổi khả năng xuất hiện càng nhiều. Trên thực tế, mỗi người đều phải trải qua ít nhất 1 lần đau lưng trong đời. Trên một vài trường hợp, đau lưng sẽ tiến triển thành bệnh mạn tính.

Đa số các trường hợp đau lưng sẽ tự hết mà không cần điều trị. Một số vẫn cần sự hỗ trợ của thuốc dưới sự kê toa của bác sĩ. Phẫu thuật có thể được xem xét nhưng ít gặp.

Để hỗ trợ và giúp ngừa các cơn đau lưng bạn có thể tập các bài tập giúp dãn cơ, yoga, tập tăng cường sức mạnh cơ nhằm giúp các cơ lưng và cơ bụng của bạn mạnh và dẻo dai hơn.

Nguồn bài dịch:

  • Back Pain: Symptoms, Causes, Diagnosis, and Treatment (2023)

https://www.healthline.com/health/back-pain

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *