8 lợi ích sức khỏe độc đáo của dứa

8 lợi ích sức khỏe độc đáo của dứa

Dứa chứa nhiều chất dinh dưỡng và các hợp chất có lợi, chẳng hạn như vitamin C, mangan và các enzym giúp hỗ trợ tiêu hóa. Ăn dứa tươi hoặc nướng chín có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ ung thư và cải thiện thời gian phục hồi sau phẫu thuật.

Dứa (Ananas comosus) là một loại trái cây nhiệt đới cực kỳ ngon và tốt cho sức khỏe. Nó chứa nhiều chất dinh dưỡng, chất chống oxy hóa và các hợp chất hữu ích khác, chẳng hạn như các enzym có thể bảo vệ chống viêm nhiễm và bệnh tật.

Có nguồn gốc từ Nam Mỹ, dứa được đặt tên bởi các nhà thực dân châu Âu đầu tiên vì nó giống như một quả thông (1).

Dứa và các hợp chất của nó có liên quan đến một số lợi ích sức khỏe, bao gồm cải thiện tiêu hóa, miễn dịch và phục hồi sau phẫu thuật.

Dưới đây là 8 lợi ích sức khỏe ấn tượng của dứa.

CHỨA NHIỀU CHẤT DINH DƯỠNG

Dứa có hàm lượng calo thấp nhưng lại có thành phần dinh dưỡng ấn tượng. Chỉ 165 gam dứa chứa các chất dinh dưỡng sau (2):

  • Calo: 83;
  • Chất béo: 1,7 gam;
  • Đạm: 1 gam;
  • Tinh bột: 21,6 gam;
  • Chất xơ: 2,3 gam;
  • Vitamin C: 88% giá trị hàng ngày (DV);
  • Mangan: 109% DV;
  • Vitamin B6: 11% DV;
  • Đồng: 20% DV;
  • Thiamine: 11% DV;
  • Folate: 7% DV;
  • Kali: 4% DV;
  • Magiê: 5% DV;
  • Niacin: 5% DV;
  • Axit pantothenic: 7% DV;
  • Riboflavin: 4% DV;
  • Sắt: 3% DV.

Dứa cũng chứa một lượng nhỏ phospho, kẽm, canxi, vitamin A và vitamin K.

Như bạn có thể thấy, loại quả này đặc biệt giàu vitamin C và mangan. Vitamin C rất cần thiết cho sức khỏe miễn dịch, khả năng hấp thụ sắt cũng như sự tăng trưởng và phát triển, trong khi mangan mang lại các đặc tính chống oxy hóa và hỗ trợ quá trình tăng trưởng và chuyển hóa (3, 4).

Chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn quá trình oxy hóa trong cơ thể bạn, điều này có thể giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm có thể dẫn đến ung thư và các bệnh mạn tính khác (5).

Dứa cũng chứa các vi chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn như đồng, thiamine và vitamin B6, những chất cần thiết cho quá trình trao đổi chất (6, 7, 8).

CHỨA CHẤT CHỐNG OXY HÓA

Dứa không chỉ giàu chất dinh dưỡng mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa – các phân tử giúp cơ thể đẩy lùi stress oxy hóa.

Stress oxy hóa gây ra bởi sự dư thừa của các gốc tự do, các phân tử không ổn định gây tổn thương tế bào thường liên quan đến chứng viêm mạn tính, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch, đái tháo đường và một số bệnh ung thư (5, 9, 10).

Dứa đặc biệt giàu chất chống oxy hóa được gọi là flavonoid và các hợp chất phenolic. Hai nghiên cứu trên chuột cho thấy chất chống oxy hóa của dứa có thể có tác dụng bảo vệ tim, tuy nhiên chưa có nghiên cứu trên người (9, 10).

Hơn nữa, nhiều chất chống oxy hóa trong dứa được coi là “bound antioxidants”, nghĩa là chất chống oxy hóa tạo ra tác dụng lâu dài hơn (10, 11).

CÓ THỂ HỖ TRỢ TIÊU HÓA

Bạn sẽ thường thấy dứa được ăn cùng với thịt và gia cầm ở các quốc gia như Brazil.

Điều thú vị là loại quả này có chứa một nhóm enzym tiêu hóa được gọi là bromelain có thể giúp quá trình tiêu hóa thịt dễ dàng hơn (12).

Bromelain hoạt động như một protease, phân hủy các phân tử protein thành các thành phần nhỏ hơn như axit amin và peptide nhỏ (13, 14).

Khi các phân tử protein bị phá vỡ, ruột non có thể dễ dàng hấp thụ chúng hơn. Điều này đặc biệt hữu ích đối với những người có thiểu năng tụy ngoại tiết, tình trạng tuyến tụy không thể tạo ra đủ enzyme tiêu hóa (15).

Bromelain cũng được sử dụng rộng rãi như một chất làm mềm thịt do khả năng phá vỡ các protein cứng của thịt (15).

Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy bromelain làm giảm các dấu ấn viêm trong mô đường tiêu hóa, mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm (16).

Hơn nữa, dứa là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa (2).

CÓ THỂ GIẢM NGUY CƠ UNG THƯ

Ung thư là một bệnh mạn tính được đặc trưng bởi sự tăng trưởng tế bào không kiểm soát được. Sự tiến triển của nó thường liên quan đến stress oxy hóa và viêm mạn tính (17).

Một số nghiên cứu lưu ý rằng dứa và các hợp chất có trong dứa, bao gồm cả bromelain, có thể làm giảm nguy cơ ung thư bằng cách giảm stress oxy hóa và giảm viêm (10, 11, 12, 15).

Một số nghiên cứu cho thấy bromelain cũng có thể giúp điều trị ung thư đã phát triển (18, 19, 20).

Ví dụ, một nghiên cứu trên ống nghiệm đã phát hiện ra rằng bromelain ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư vú và kích thích tế bào chết, trong khi một nghiên cứu trên chuột cho thấy bromelain tăng cường tác dụng của liệu pháp chống ung thư (19, 20).

Các nghiên cứu trên ống nghiệm khác đã cho ra kết quả tương tự đối với ung thư da, đại trực tràng hoặc đường mật (21, 22, 23, 24).

Hơn nữa, các nghiên cứu cũ hơn trên động vật và ống nghiệm đã phát hiện ra rằng bromelain có thể kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các phân tử giúp tế bào bạch cầu ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư và loại bỏ tế bào ung thư hiệu quả hơn (25).

Tuy nhiên, dứa chứa ít bromelain hơn nhiều so với các chất bổ sung.

Một bài tổng quan về các nghiên cứu trên người cho thấy không có lợi ích gì khi sử dụng các enzym đường uống như bromelain song song với liệu pháp điều trị ung thư, mặc dù nghiên cứu còn nhiều ý kiến trái chiều (26, 27).

Nhìn chung, cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người (28).

CÓ THỂ TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG MIỄN DỊCH VÀ ỨC CHẾ VIÊM

Trong Y học cổ truyền, dứa đã được sử dụng qua nhiều thế kỷ (1, 15).

Chúng chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất và enzyme như bromelain có thể cải thiện khả năng miễn dịch và giảm viêm (12, 28).

Trong một nghiên cứu cũ kéo dài 9 ngày, 98 trẻ khỏe mạnh chia làm 3 nhóm: không ăn dứa, ăn khoảng 1 cốc (140 gam) dứa hoặc khoảng 2 cốc (280 gam) dứa mỗi ngày (29).

Những trẻ ăn dứa có nguy cơ nhiễm virus và vi khuẩn thấp hơn đáng kể. Thêm vào đó, những đứa trẻ ăn nhiều dứa có số lượng tế bào bạch cầu chống lại bệnh tật nhiều hơn gần bốn lần so với những nhóm khác (29).

Một nghiên cứu kéo dài 30 ngày ở 40 người lớn bị viêm xoang mạn tính cho thấy những người dùng thực phẩm bổ sung 500 mg bromelain phục hồi nhanh hơn đáng kể so với những người trong nhóm đối chứng (30).

Hơn nữa, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bromelain có thể làm giảm các dấu hiệu viêm, do đó hỗ trợ sức khỏe miễn dịch (12, 15, 31).

Hơn nữa, các nghiên cứu trên ống nghiệm thậm chí còn phát hiện ra rằng chất bổ sung bromelain, đơn lẻ và kết hợp với các hợp chất khác, có thể giúp giảm các triệu chứng của COVID-19 và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh (12, 32, 33, 34).

Tuy nhiên, nghiên cứu thêm ở người là cần thiết. Hãy nhớ rằng cả dứa và các hợp chất của nó đều không thể chữa khỏi hoặc ngăn ngừa COVID-19 (12, 32, 33, 34).

CÓ THỂ LÀM DỊU CÁC TRIỆU CHỨNG VIÊM KHỚP

Viêm khớp ảnh hưởng đến hơn 54 triệu người trưởng thành chỉ riêng ở Hoa Kỳ. Có nhiều loại viêm khớp, nhưng hầu hết đều liên quan đến tình trạng viêm tại khớp (35).

Đặc tính chống viêm của bromelain có thể giúp giảm đau cho ở những người có viêm khớp. Một nghiên cứu cho thấy chất bổ sung bromelain có hiệu quả như điều trị đau thông thường ở những đối tượng thoái hóa cột sống thắt lưng (28, 36, 37).

Trong một nghiên cứu khác ở những đối tượng thoái hóa khớp, chất bổ sung men tiêu hóa có chứa bromelain giúp giảm đau hiệu quả như các loại thuốc trị viêm khớp thông thường (38).

Hơn nữa, một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy hợp chất này giúp bảo vệ chống lại sự thoái hóa của mô sụn và tình trạng viêm liên quan đến thoái hóa khớp (39).

Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người về tác dụng của dứa chứ không chỉ bromelain.

CÓ THỂ TĂNG TỐC ĐỘ PHỤC HỒI SAU PHẪU THUẬT HOẶC SAU TẬP LUYỆN

Ăn dứa có thể giảm thời gian phục hồi sau phẫu thuật hoặc tập luyện (40).

Mặc dù loại quả này giúp bổ sung lượng carb dự trữ sau khi tập thể dục, nhưng một số lợi ích của nó cũng là do đặc tính chống viêm của bromelain (2, 28).

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bromelain có thể làm giảm viêm, sưng, bầm tím và đau thường xảy ra sau phẫu thuật, bao gồm cả thủ thuật nha khoa và da. Nó cũng có thể làm giảm các dấu ấn viêm (40).

Hai bài tổng quan cho kết quả rằng bromelain có thể làm giảm sự khó chịu, đau hay sưng sau khi phẫu thuật nha khoa (41, 42).

Hơn nữa, một bài tổng quan khác cho thấy rằng 5 trong số 7 nghiên cứu ngẫu nhiên có nhóm chứng, bromelain đã cải thiện khả năng phục hồi sau các thủ thuật phẫu thuật da. Tuy nhiên, việc sử dụng nó vẫn còn gây tranh cãi (43, 44).

Hơn nữa, các protease như bromelain có thể tăng tốc độ phục hồi cơ bắp sau khi tập luyện gắt gao bằng cách giảm viêm quanh các mô cơ bị tổn thương (45, 46).

Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn trước khi hợp chất này có thể được đề xuất để phục hồi sau tập luyện (46, 47, 48).

DỄ DÀNG THÊM VÀO CHẾ ĐỘ ĂN

Dứa ngọt, tiện lợi và dễ dàng thêm vào chế độ ăn uống của bạn.

Trái cây tươi rất dễ tìm thấy ở nhiều cửa hàng tạp hóa và chợ, ngay cả khi trái mùa. Bạn có thể mua dứa đóng hộp, dứa khô hoặc đông lạnh quanh năm.

Bạn có thể thưởng thức dứa riêng, trong sinh tố, salad hoặc trên bánh pizza tự làm. Dưới đây là một vài ý tưởng công thức thú vị có dứa:

  • Bữa sáng: Sinh tố với dứa, việt quất và sữa chua Hy Lạp.
  • Salad: Gà nướng nhiệt đới, hạnh nhân, quả việt quất và dứa trên rau diếp hoặc các loại rau xanh khác.
  • Bữa trưa: Bánh mì kẹp thịt Hawaii tự làm (bánh mì kẹp thịt bò với dứa).
  • Bữa tối: Cơm chiên dứa và mì căn.
  • Tráng miệng: Whip dứa tự làm (dứa đông lạnh trộn với một chút nước cốt dừa và một chút nước cốt chanh).

CÓ BẤT KỲ RỦI RO SỨC KHỎE NÀO KHI ĂN DỨA KHÔNG?

Dứa không phải là một chất gây dị ứng phổ biến. Ăn chúng được coi là rủi ro rất thấp trừ khi bạn đã biết bị dị ứng dứa. Trong trường hợp đó, bạn nên tránh ăn dứa và các sản phẩm chiết xuất từ dứa.

Những người có đái tháo đường nên lưu ý đến khẩu phần ăn để giữ cho lượng đường huyết ổn định (49).

Tuy nhiên, ngay cả ở những người không bị dị ứng hoặc đái tháo đường, ăn quá nhiều dứa – nhiều hơn một vài phần mỗi ngày – có thể có tác dụng phụ ngoài ý muốn.

Ví dụ, bromelain có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Do đó, những người dùng thuốc chống đông nên ăn dứa với lượng vừa phải (50, 51, 52).

Những người nhạy cảm với bromelain cũng có thể bị bỏng lưỡi hoặc ngứa và thậm chí buồn nôn hoặc tiêu chảy – mặc dù những nhược điểm này chỉ là những kinh nghiệm và chưa được nghiên cứu khoa học.

Một số người cho rằng ăn quá nhiều dứa chưa chín sẽ gây đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy. Một lần nữa, điều này chưa được nghiên cứu, nhưng tốt nhất bạn nên chọn dứa chín. Thịt phải có màu vàng nhạt đến trung bình.

KẾT LUẬN

Dứa rất ngon, đa năng và chứa nhiều chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa.

Các chất dinh dưỡng và hợp chất của dứa có liên quan đến những lợi ích sức khỏe ấn tượng, bao gồm cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm nguy cơ ung thư và giảm triệu chứng của viêm khớp. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn trên người.

Bạn có thể ăn loại trái cây này đã trộn, rang, xào hoặc tươi – ăn riêng hoặc trong bất kỳ món ăn nào.

Link bài dịch:

  • Pineapple: 8 Impressive Health Benefits

https://www.healthline.com/nutrition/benefits-of-pineapple

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *