Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp

Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp

Viêm khớp dạng thấp (RA – Rheumatoid arthritis) và viêm cột sống dính khớp (AS – Ankylosing spondylitis) là một trong những bệnh thấp khớp phổ biến nhất.

RA là một bệnh rối loạn tự miễn gây đau và viêm khớp. Các khớp thường bị ảnh hưởng nhất là khớp ở bàn tay, cổ tay và đầu gối.

AS cũng là một bệnh rối loạn tự miễn. Bệnh chủ yếu gây đau và viêm ở các đốt sống.

RA và AS đều là những bệnh thuộc nhóm viêm khớp, nhưng chúng không giống nhau, các triệu chứng và điều trị cũng khác nhau. Nhưng có một số triệu chứng đôi khi xuất hiện gần giống nhau, khiến hai bệnh này khó có thể phân biệt được. Trước đây, các bác sĩ đôi khi chẩn đoán nhầm AS là RA.

RA và AS ảnh hưởng đến khớp nào?

RA thường ảnh hưởng đến các khớp ở:

  • Bàn tay
  • Cổ tay
  • Đầu gối

Nó cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp khác, như:

  • Khớp vai
  • Khuỷu tay
  • Cổ chân

Một dấu hiệu đặc trưng của RA là tổn thương đối xứng. Bệnh thường ảnh hưởng đến các khớp ở cả hai bên. Ví dụ, bệnh sẽ ảnh hưởng đến cả hai cổ tay hoặc cả hai đầu gối.

Không giống như AS, RA thường không ảnh hưởng đến các đốt sống, ngoại trừ đốt sống cổ.

AS chủ yếu ảnh hưởng đến các đốt sống. Nó cũng có thể gây viêm ở các khớp, chẳng hạn như ở:

  • Khớp vai
  • Háng
  • Gót chân
  • Đầu gối
  • Xương sườn

Khi AS ảnh hưởng đến các khớp khác ngoài đốt sống, nó thường là tổn thương đối xứng, nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ.

Các triệu chứng của RA và AS khác nhau như thế nào?

Các triệu chứng phổ biến của RA và AS bao gồm:

  • Cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng
  • Sốt nhẹ
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Sụt cân không chủ ý

Các triệu chứng chỉ có ở RA, bao gồm:

  • Đau, cứng khớp, và sưng các khớp ở tứ chi
  • Các triệu chứng xuất hiện ở nhiều khớp
  • Các triệu chứng khởi đầu ở các khớp nhỏ (ví dụ: Khớp ngón tay hoặc ngón chân)

Mặt khác, các triệu chứng đặc trưng của AS, bao gồm:

  • Đau lưng dữ dội
  • Tư thế xấu hoặc khòm vai
  • Đau, cứng khớp, hoặc sưng ảnh hưởng đến các khớp lớn khác ngoài cột sống

Yếu tố nguy cơ mắc RA và AS

Tỷ lệ mắc RA và AS chiếm khoảng 0,3% đến 1,5% trong dân số. Người bệnh có thể bị di truyền một trong hai bệnh này do một nhóm gen được gọi là hệ thống kháng nguyên bạch cầu người (HLA – Human Leukocyte Antigen).

RA thường gặp ở nữ giới, trong khi AS phổ biến hơn ở nam giới. AS thường khởi phát trước 30 tuổi. RA thường xuất hiện muộn hơn, từ 40 đến 50 tuổi.

Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh RA, bao gồm:

  • Hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động, đặc biệt là trong thời thơ ấu
  • Béo phì
  • Tiền sử sinh nở (những người nữ chưa sinh con bao giờ có nguy cơ mắc RA cao hơn)

Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh AS, bao gồm:

  • Viêm ruột
  • Tiền căn nhiễm trùng thời thơ ấu

Chẩn đoán bệnh RA và AS

Chẩn đoán bệnh RA và AS có thể là một quá trình dài, bao gồm cả xét nghiệm và hình ảnh học. Điều này là do những triệu chứng của hai bệnh này có thể giống với các bệnh khớp khác và không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán xác định AS hoặc RA.

Bước đầu tiên để chẩn đoán bệnh là khám sức khoẻ. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, bệnh sử và tiền căn gia đình cũng như các yếu tố nguy cơ của người bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám các khớp xem có bị sưng, đau và giới hạn vận động không.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ đề nghị cận lâm sàng.

Các hình ảnh học mà bác sĩ sử dụng để chẩn đoán RA và AS bao gồm:

  • Chụp X-quang: X-quang giúp bác sĩ đánh giá mức độ viêm ở các khớp và xương bị ảnh hưởng.
  • MRI: Các bác sĩ sử dụng MRI để có cái nhìn chi tiết hơn ở nơi tổn thương
  • Siêu âm: Siêu âm để đánh giá xương, khớp và gân cơ bị ảnh hưởng.

Các xét nghiệm máu bao gồm:

  • Công thức máu toàn phần: Công thức máu toàn phần giúp xác định hoặc loại trừ các bệnh về máu (ví dụ: Thiếu máu) thường liên quan đến một số bệnh khớp.
  • Xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR – Erythrocyte sedimentation rate): Xét nghiệm ESR có thể giúp xác định mức độ viêm.
  • Xét nghiệm protein phản ứng C (CRP – C-reactive protein): Xét nghiệm CRP để kiểm tra tình trạng viêm.
  • Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA – Antinuclear antibody): Xét nghiệm ANA tìm bằng chứng về tình trạng tự miễn.
  • Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF – Rheumatoid factor): Xét nghiệm yếu tố dạng thấp có thể gợi ý phân biệt RA với các bệnh khác.
  • Xét nghiệm HLA-B27: Xét nghiệm HLA-B27 có thể phát hiện dấu hiệu di truyền phổ biến ở bệnh AS.

Các bệnh lý liên quan

RA và AS thường đồng mắc với các bệnh lý khác. Điều này là do hệ thống miễn dịch bị lỗi có thể tấn công nhầm vào nhiều cơ quan và mô.

Các bệnh đồng mắc thường gặp ở những người bị RA và AS, bao gồm:

  • Bệnh vẩy nến
  • Bệnh viêm ruột (IBD – Inflammatory bowel disease)
  • Viêm mắt
  • Mắc bệnh tim sớm
  • Bệnh đái tháo đường
  • Bệnh phổi
  • Viêm mạch

Điều trị RA và AS là gì?

Điều trị RA và AS về tổng thể là gần giống nhau, nhưng có một số điểm khác biệt chính. Các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp sử dụng chiến lược điều trị có tên là “điều trị theo mục tiêu (T2T – Treat-to-target)” khi quản lý bệnh RA và AS. T2T liên quan đến việc thiết lập mục tiêu và tuân theo một quy trình giám sát nghiêm ngặt cùng với các điều chỉnh cần thiết để đạt được mục tiêu điều trị.

Các bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc sau đây cho RA và AS:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Corticosteroid
  • Thuốc chống thấp khớp (DMARD) (hiệu quả hơn đối với bệnh RA, hiếm khi được sử dụng cho AS)
  • Thuốc sinh học
  • Thuốc ức chế Janus kinase (JAK)

Điều trị không dùng thuốc cho RA và AS, bao gồm:

  • Thay đổi lối sống, chẳng hạn như chế độ ăn uống, tập thể dục và rèn luyện tư thế (đối với AS)
  • Chườm lạnh hoặc nóng
  • Vật lý trị liệu
  • Phẫu thuật

Tiên lượng của bệnh RA và AS

Khó để tiên lượng cho những người bệnh RA hoặc AS vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Mặc dù RA và AS đều không gây tử vong, nhưng các biến chứng có thể rút ngắn tuổi thọ của người bệnh từ 10 đến 15 năm. Nhưng với những phương pháp điều trị mới trong vài thập kỷ qua, nhiều người mắc các bệnh này đã sống qua 80 hoặc thậm chí 90 tuổi.

RA hoặc AS có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe tâm thần và tình cảm.

Một người có thể mắc cả RA và AS không?

Rất hiếm khi người bệnh mắc cả RA và AS cùng một lúc, do hai bệnh này có cơ chế sinh ý bệnh khác nhau.

Tuy nhiên, nó không phải là không thể. Một nghiên cứu ở Trung Quốc năm 2021 đã quan sát 22 người mắc cả RA và AS trong khoảng thời gian 6 năm.

Bản tóm tắt

Dưới đây là bản tóm tắt về những điểm giống và khác nhau giữa RA và AS.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm cột sống dính khớp

Đối tượng

  • Phổ biến ở nữ giới
  • Thường khởi phát sau 40 tuổi
  • Phổ biến ở nam giới
  • Thường khởi phát trước 30 tuổi

Triệu chứng

  • Đau/sưng các khớp ở tứ chi
  • Khởi phát trước tiên ở các khớp nhỏ
  • Đau lưng dữ dội
  • Đau/sưng các khớp lớn ngoài cột sống

Chẩn đoán

  • Khám sức khoẻ
  • Chẩn đoán hình ảnh
  • Xét nghiệm máu, xét nghiệm yếu tố thấp RF
  • Khám sức khoẻ
  • Chẩn đoán hình ảnh
  • Xét nghiệm máu, xét nghiệm HLA-B27

Điều trị

  • NSAID và corticosteroid để giảm đau
  • DMARD
  • Thuốc sinh học
  • Thuốc ức chế JAK
  • NSAID và corticosteroid để giảm đau
  • Thuốc sinh học
  • Thuốc ức chế JAK

Tiên lượng

  • Không gây tử vong nhưng có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ
  • Không gây tử vong nhưng có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ

Tóm lại

RA và AS là hai bệnh viêm khớp khác nhau. Mặc dù đều gây viêm khớp nhưng chúng có các triệu chứng và nguyên nhân khác nhau. Ngoài ra, hai bệnh có nhiều điểm tương đồng làm phức tạp trong việc chẩn đoán.

Điều trị bệnh RA và AS gần giống nhau, nhưng có những điểm khác biệt chính. Cả hai bệnh đều không gây tử vong, nhưng một số người có thể tiến triển xuất hiện các biến chứng làm rút ngắn tuổi thọ của họ.

Link dịch:

  • What’s the Difference Between Rheumatoid Arthritis (RA) and Ankylosing Spondylitis (AS)?

https://www.healthline.com/health/ankylosing-spondylitis/rheumatoid-arthritis-vs-ankylosing-spondylitis

Rate this post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *