Cây sen (Nelumbo nucifera) là một loài thực vật sống dưới nước chủ yếu ở Châu Á.
Sen được sử dụng trong ẩm thực ở nhiều nước Châu Á, các bộ phận của cây cũng như các chất chiết xuất từ nó đã được sử dụng trong Y học cổ truyền hàng ngàn năm.
Ngày nay, các nghiên cứu tiếp tục khám phá những lợi ích có thể có của nó. Ví dụ, một số hợp chất trong sen có thể có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm (1).
Dưới đây là 5 lợi ích của sen, liều lượng và những lưu ý khi sử dụng nó.
SEN LÀ GÌ?
Sen có tên khoa học là Nelumbo nucifera. Nó còn được gọi là hoa sen thiêng hay hoa sen Ấn Độ.
Sen được trồng ở nhiều nơi trên thế giới nhưng đặc biệt là ở Châu Á, bao gồm Ấn Độ và Đông Nam Á. Hoa sen mọc trong nước và thường bị nhầm lẫn với hoa súng (có hình tròn với cánh hoa và lá màu xanh). Hoa sen có thể có màu trắng, hồng, đỏ hoặc xanh dương.
Sen từ lâu đã được dùng như một loại thực phẩm trong khoảng 7.000 năm ở các nước Châu Á. Thân và rễ của nó thường được thêm vào món súp và món xào, kể cả lá, hoa và hạt của nó cũng được dùng trong nấu ăn (1, 2, 3).
Sen là loại cây cảnh phổ biến ở Châu Á. Chúng tượng trưng cho sự trường thọ, sự tinh khiết và vẻ đẹp trong Phật giáo và Ấn Độ giáo, do đó còn được gọi là hoa sen thiêng (2).
Ngoài ra, thân, hạt, lá và hoa của cây sen từ lâu đã được sử dụng trong các chế phẩm thuốc Y học cổ truyền. Sen được dùng để điều trị tiêu chảy, nhiễm trùng, ho, huyết áp cao và sốt, cùng một số bệnh lý khác (1, 2).
Sen có trong nhiều chế phẩm, bao gồm củ sen khô, trà, bột, viên nang và chất chiết xuất.
Ngày nay, sen đã được các nhà nghiên cứu quan tâm về những lợi ích sức khỏe của nó. Đặc biệt là rất nhiều hợp chất có lợi được tìm thấy trong cây, bao gồm flavonoid và alkaloid (4).
TÓM TẮT
Sen là một loài thực vật sống dưới nước, chủ yếu ở Châu Á. Nó được sử dụng như một loại thực phẩm, cây cảnh và thuốc Y học cổ truyền.
1. ĐẶC TÍNH CHỐNG OXY HÓA
Sen chứa nhiều hợp chất flavonoid và alkaloid có thể hoạt động như chất chống oxy hóa (4).
Chất chống oxy hóa giúp trung hòa các gốc tự do. Nếu các gốc tự do tích tụ trong cơ thể bạn, chúng có thể gây ra stress oxy hóa, gây tổn thương tế bào và góp phần gây ra bệnh (5).
Một số hợp chất chống oxy hóa có trong sen như kaempferol, catechin, chlorogenic acid và quercetin. Hoạt tính chống oxy hóa của sen dường như tập trung nhiều nhất ở hạt và lá (6, 7, 8).
Mặc dù có ít nghiên cứu về lợi ích sức khỏe của việc sử dụng sen, nhưng người ta cho rằng các hợp chất chống oxy hóa này có thể bảo vệ chống lại các bệnh bắt nguồn từ stress oxy hóa.
Đặc biệt, chúng có tác dụng chống ung thư, bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer và ngăn ngừa tổn thương gan (8, 9, 10).
Một nghiên cứu in vitro cho thấy lá, cánh hoa và nhị hoa có hoạt tính chống oxy hóa mạnh và ức chế các enzym liên quan đến bệnh Alzheimer (9).
Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người về tác dụng chống oxy hóa và ngừa bệnh của sen để có thể hiểu rõ hơn về các lợi ích tiềm năng của nó.
TÓM TẮT
Nhiều bộ phận của cây sen chứa nhiều chất chống oxy hóa. Một số nghiên cứu cho thấy rằng các hợp chất này có thể bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh liên quan đến stress oxy hóa, nhưng cần thêm các bằng chứng nghiên cứu trên người.
2. CHỐNG VIÊM
Các hợp chất trong sen cũng có đặc tính chống viêm.
Viêm mạn tính có thể do nhiễm khuẩn kéo dài, tiếp xúc với các chất có hại, chế độ ăn uống, hút thuốc lá và ít vận động. Theo thời gian, chứng viêm có thể làm hỏng các mô và góp phần gây ra các bệnh như bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường (11, 12).
Quá trình viêm trong cơ thể bạn liên quan đến các tế bào được gọi là đại thực bào. Đại thực bào phóng thích các cytokine gây viêm, là những protein nhỏ gây ra các phản ứng miễn dịch (11, 12).
Các nghiên cứu cho thấy rằng một số hợp chất có trong sen, như quercetin và catechin, có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm các con đường gây viêm này (13).
Chất chiết xuất từ cả lá và hạt sen có thể thể hiện những đặc tính chống viêm này (14).
Một nghiên cứu in vitro cho thấy chất chiết xuất từ lá sen có thể ức chế các hoá chất trung gian gây viêm, như yếu tố hoại tử khối u α (TNF-α), interleukin 6 (IL-6), oxit nitric (NO) và prostaglandin E2 (PGE2) (12).
Một nghiên cứu in vitro khác trên tế bào chuột đã phát hiện ra rằng cả chất chiết xuất từ lá và hạt sen đều làm giảm biểu hiện của các gen gây viêm (14).
Mặc dù những kết quả này cho thấy các bộ phận của sen giúp chống viêm, nhưng vẫn cần thêm các bằng chứng nghiên cứu trên người.
TÓM TẮT
Các hợp chất trong lá và hạt sen đã được các nghiên cứu in vitro chứng minh là có tác dụng ngăn chặn quá trình viêm. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn rằng liệu chúng có tạo ra tác dụng này ở người hay không.
3. HOẠT ĐỘNG NHƯ MỘT CHẤT KHÁNG KHUẨN
Sen đã được nghiên cứu về tác dụng kháng khuẩn, bao gồm cả việc chống lại vi khuẩn trong miệng.
Cơ chế nào giúp hoa sen có đặc tính kháng khuẩn vẫn chưa rõ ràng, nhưng nhiều hợp chất có lợi mà nó chứa có thể đóng một vai trò nào đó.
Các nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ lá sen có thể chống lại các loài vi khuẩn gây sâu răng và nhiễm khuẩn nướu. Do đó, nó có tiềm năng trở thành một thành phần trong kem đánh răng và các sản phẩm vệ sinh răng miệng khác (15, 16).
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là những nghiên cứu này được thực hiện trong ống nghiệm. Cần có các nghiên cứu ở người để hiểu rõ hơn về tiềm năng sử dụng sen điều trị nhiễm khuẩn miệng.
TÓM TẮT
Chiết xuất từ gương sen và lá sen có tác dụng kháng khuẩn, kể cả một số vi khuẩn gây ra các vấn đề về răng miệng. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn rằng liệu chúng có phát huy những đặc tính này ở người hay không.
4. GIÚP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy các hợp chất trong sen có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Đường huyết cao thường gặp ở những người mắc bệnh đái tháo đường và gây ra nhiều biến chứng.
Một nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ lá sen làm giảm đường huyết ở thỏ mắc bệnh đái tháo đường nhiều hơn đáng kể so với thuốc điều trị đái tháo đường thông thường (17).
Một nghiên cứu khác cho thấy những con chuột được sử dụng chiết xuất từ hạt sen đã giảm đường huyết (18).
Ngoài ra, nghiên cứu trên mô hình chuột mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cho thấy polysaccharide (một loại carbohydrate) từ lá sen làm giảm đường huyết đói (19).
Mặc dù vẫn chưa rõ ràng, nhưng người ta cho rằng tác dụng chống lại bệnh đái tháo đường của các chất chiết xuất từ hoa sen có thể xuất phát từ các chất chống oxy hóa có trong chúng (19).
Nên nhớ rằng, cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người để chứng minh tác dụng của sen đối với đường huyết.
TÓM TẮT
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy các chất chiết xuất từ sen có thể giúp hạ đường huyết. Do đó, nó có tiềm năng trong điều trị bệnh đái tháo đường, tuy nhiên vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu chứng minh trên người hơn.
5. NHIỀU CÔNG DỤNG TRONG THỰC PHẨM
Với những lợi ích sức khỏe của sen, bạn có thể bổ sung nó vào công thức nấu ăn của mình để tăng hàm lượng chất dinh dưỡng.
Thêm sen vào các món ăn có thể giúp món ăn trờ thành thực phẩm chứa các thành phần tốt cho sức khỏe.
Ví dụ, các nhà khoa học đã thử thêm bột cây sen vào xúc xích để tăng hàm lượng chất xơ và chất chống oxy hóa mà không làm giảm chất lượng hoặc mức độ chấp nhận của thực phẩm (22).
Tương tự như vậy, bột hạt sen đã được sử dụng thay thế cho bột mì trong bánh quy để bổ sung các đặc tính tăng cường sức khỏe. Một nghiên cứu cho thấy rằng bánh quy làm bằng loại bột này được dung nạp tốt và được những người tham gia nghiên cứu chấp nhận ở mức độ cao (23).
Việc sử dụng sen trong các thực phẩm chức năng vẫn đang được tiếp tục khám phá.
Bạn cũng có thể sử dụng sen tươi để nấu ăn tại nhà trong các món ăn như món xào và món súp.
TÓM TẮT
Sen đang được khám phá như một chất bổ sung trong thực phẩm để tăng cường sức khỏe của chúng ta. Bạn cũng có thể sử dụng hoa sen tươi để nấu các món ăn.
LƯỢNG DÙNG VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA
Không có tiêu chuẩn về liều lượng cho việc sử dụng sen.
Ăn sen với lượng thường dùng trong các món ăn, chẳng hạn như ngó sen được dùng trong các món ăn châu Á, thường được coi là an toàn.
Liều lượng cho bột sen, viên nang và các chiết xuất rất khác nhau. Các khuyến cáo đưa ra dao động từ 1–2 gam viên nang sen đến 15 gam bột sen mỗi ngày.
Ngoài ra còn thiếu các nghiên cứu về độ an toàn của các chế phẩm từ sen. Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia sức khỏe trước khi thử bất kỳ chất bổ sung từ sen nào. Nếu bạn sử dụng thuốc, hãy hỏi về các tương tác thuốc có thể xảy ra.
Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú nên tránh dùng các thực phẩm từ sen, vì tác dụng phụ có thể xảy ra của nó trên những đối tượng này vẫn chưa được hiểu rõ.
TÓM TẮT
Sử dụng sen để nấu ăn được coi là an toàn, nhưng có rất ít thông tin về độ an toàn của các chế phẩm và thực phẩm bổ sung khác từ sen. Tham khảo ý kiến của chuyên gia sức khỏe trước khi sử dụng sen và tránh bổ sung các thực phẩm từ sen nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú.
TÓM LẠI
Sen có lịch sử sử dụng lâu đời trong ẩm thực Châu Á và Y học cổ truyền.
Nó chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe, bao gồm tác dụng chống oxy hóa và kháng khuẩn. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ về cách sử dụng các bộ phận của loại cây này hoặc các thực phẩm chất bổ sung của nó để mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Nếu bạn muốn sử dụng thực phẩm bổ sung từ sen, hãy đến chuyên gia sức khỏe để được tư vấn vì sự an toàn và tác dụng phụ của nó vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, sử dụng sen tươi trong các món ăn thường được coi là an toàn.
MỘT ĐIỀU NỮA
Hãy thử món ăn này ngay hôm nay: Bạn muốn thử nấu ăn với sen? Bạn có thể chế biến nó tương tự như các loại rau củ khác, thêm nó vào các món xào hoặc súp. Đơn giản chỉ cần tìm kiếm trên mạng một công thức và tiến hành nấu ăn.
Link dịch:
- 5 Unique Health Benefits of Lotus
https://www.healthline.com/health/8-uses-for-lotus